Nước Hoa – Perfume – Le Parfum
Khởi điểm
Nhóm hải tặc (les vikings / the vikings) khám phá châu Mỹ 500 năm trước khi Columbus hiện diện trên lục địa giàu tài nguyên này, nhưng lịch sử vẫn luôn gắn liền Mỹ châu với tên Cristoforo Colombo (La-tinh), vì nhà thám hiểm được hoàng gia Tây ban Nha phong tước ‘Đô đốc của đại dương’ (amiral de la mer océane / admiral of the ocean sea’ vốn có quê quán nhiều tranh cải này là người làm cho cả thế giới biết và đổ xô tới châu Mỹ. Để tưởng nhớ ông, thủ đô Hoa kỳ được đặt tên Đặc khu Columbia (District of Columbia) tức Washington DC và thường được gọi tắt là D.C. Cũng vậy, nguồn gốc nước hoa xuất phát từ phương Đông từ thời cổ đại và một trong các tiền đề cho chế biến là kỹ thuật chưng cất lại cũng chính là phát minh của Ả rập – một đất nước phương Đông, nhưng lịch sử hiện đại vẫn đính liền nước Pháp với lịch sử nước hoa đặc biệt từ thế kỷ 18, khi Jean- Marie Farina [1685-1766, người Đức gốc Ý, chủ xưởng nước hoa lâu đời nhất còn tồn tại đến ngày nay tại Cologne] chế ra ‘Eau de Cologne’ thì sau đó đến nay tại Pháp, nhiều dòng nước hoa nổi tiếng từ các bậc thầy điều chế (maître parfumeur / master perfumer) liên tiếp xuất hiện, trong đó có các thương hiệu của Christian Dior, Guerlain, Louis Vuitton, Coco Chanel với Chanel No 5 huyền thoại. Pháp đã đưa nước hoa thành thương phẩm lan ra toàn cầu. Bài viết nhỏ này, vì thế được dành ưu tiên cho ngữ vựng tiếng Pháp vậy. Và phần lớn thông tin tổng hợp của bài lấy từ nguồn tư liệu tiếng Pháp.
Nghệ thuật chế biến nước hoa (parfumerie / perfumery) bắt đầu xuất hiện từ miền Lưỡng hà (Mèsopotamie / Mesopotamis [nằm quanh hai sông Tigris và Euphrate, Tây Á gồm phần lớn thuộc lãnh địa Iraq ngày nay, vốn được lịch sử ghi nhận là cái nôi của nền văn minh nhân loại với nhiều dấu vết của các thành phố có hệ thống chính trị và quản lý hành chính, có chữ viết, văn chương, hình học, đại số và một số tiến bộ quan trọng trong nông nghiệp]) Nước hoa thời đầu được sử dụng dưới dạng chất rắn (état solide / solid state) đựng trong hộp trang trí rất mỹ thuật và được dùng tẩm trên thi hài các vua Pharaon Ai Cập. Chất hương quyến rũ này còn phổ biến trong giới phú gia Cổ Hy Lạp, Ấn Độ để dâng lên các vị thần, trong triều đình vua quan Trung hoa cổ đại (antiquité), cũng như trong dòng dõi quý tộc La mã và các nền văn minh Lưỡng Hà. Hình ảnh loại hương thơm này cùng các nguyên liệu cũng như công thức pha chế còn hiện diện trong nhiều chương của Kinh thánh Cựu và Tân Ước – cội nguồn lịch sử của dòng tộc Do Thái.
Theo Le Grand Robert, từ nguyên tiếng Pháp ‘parfum’ được sử dụng từ năm 1526, có gốc từ ‘perfum’ hoặc ‘perfumar’ ra đời năm 1397 trong phương ngữ Provence cổ. vùng đông nam nước Pháp. Phương ngữ này lại được chuyển từ ‘per fumum’ tiếng Latin có nghĩa ‘xuyên qua hương khói’ (à travers la fumée / through smoke). Như vậy, nguyên bản đầu tiên của nước hoa ngày nay chính là các sản phẩm thuộc chất khí có các phân tử carbon bốc lên từ việc đốt một loại vật liệu rắn nào đó, tức ‘khói và những thứ có hình thái dạng khói’, kể cả hơi nước (vapeur d’eau / water vapour) toát ra từ độ ấm nóng cùng với mùi hương quyện theo làn khói.
Thời Nay
Nước hoa ngày nay là sản phẩm hương thơm được pha trộn rất đa dạng. Ngoài cồn (alcool / alcohol) ra còn có thể bao gồm hơn 100 chất liệu khác nhau theo tỉ lệ thích hợp tuỳ vào nghệ thuật và kinh nghiệm của nhà bào chế. Các nguyên liệu sử dụng trong chế biến bao gồm các loại cây trồng như hoa hồng, oải hương (lavande / lavender [thân bụi có hoa tím mọc thành vòng]) hay các loại trái cây vùng nhiệt đới. Các loại nước hoa đều được công thức hoá sao cho duy trì độ bền mùi hương và sắc màu của sản phẩm đạt mức tối đa, vì độ bền mùi và màu là hai tính chất bắt buộc thuộc khứu giác (olfactif / olfactory) và thị giác (optique / optic) không được bỏ qua trong quy trình sản xuất nước hoa. Để tăng độ bền, tránh cho tinh dầu (parfum pur), thành phần nồng cốt của nước hoa, bốc hơi nhanh, kỹ nghệ pha chế buộc phải thêm hương liệu có nguồn gốc động vật từ mật, sáp ong, các chất dầu từ lông dê cừu, xạ hương (musc / musk [các chất thơm nồng chứa trong túi xạ nằm ở vùng giữa rốn và bộ phận sinh sản của một số loài động vật hay từ một số loại cây]) như chất dầu trích từ phân chuột Hyrax, xạ hương nồng chiết từ tuyến hậu môn của loài cầy hương (civette / civet), từ hải ly (castoréum / castoreum [hương xạ tiết ra từ 2 túi dầu nằm giữa xương chậu và đuôi Hải ly dùng để chứng thực lãnh thổ của chúng]), long diên hương (ambre gris / ambergris [chất sáp màu xám tiết qua đường miệng của cá nhà táng (le cachalot / sperm whale) khi nôn ra các thức ăn khó tiêu]) và hương hươu xạ (cerf musqué /musk deer). Các nguyên liệu, công thức và phương pháp chế biến qua nhiều tiến trình từ giai đoạn đầu tìm cảm hứng để chọn mùi hương đển bước thu thập nguyên liệu thô, và đi qua tiến trình chưng cất, ép để chiết xuất tinh dầu, ủ, ngâm để các lớp hương dậy lên hoà tan vào nhau, bước tới công đoạn pha loãng, thử nghiệm, tham khảo ý kiến bên ngoài, và rồi sản phẩm lại được đánh giá lại sau mổi lần tinh chỉnh cho tới khi vừa ý của người chế biến,rất công phu, lặp đi lặp lại và còn thêm vài công đoàn nữa trước khi kết thúc quy trình vào chai mời chào người tiêu dùng.
Cách sử dụng nước hoa ngày nay cũng đa dạng không kém như để tẩm thơm trong xà bông, phấn rơm, phấn thoa mặt, chất khử mùi, chất ngăn tiết mồ hôi, hoặc pha trộn vào các mỹ phẩm trang điểm nhằm tạo đặc trưng cho sản phẩm có thế duy trì trong môi trường cạnh tranh gay gắt.
Trong khi đó thì các loại nước hoa công nghiệp được sử dụng chỉ để khử các mùi khó chịu như mùi ngửi thấy trong sơn hay các chất tẩy. Và cũng giống như các thợ làm bánh luôn phết mùi vị bánh mì vào giấy dùng để gói bánh mì hay thợ gia công nội thất thêm mùi da thuộc vào trong lớp nhựa bọc bàn ghế, nước hoa công nghiệp cũng còn được sử dụng để tạo thêm mùi hổ trương đặc trưng cho lớp áo ngoài các loại hộp lọ chứa nước hoa.
Chung Quanh Tiến Trình Chế Biến
Tiếng lóng trong kỹ nghệ sản xuất nước hoa thường gọi người chế tạo nước hoa (parfumeur / perfumer) là ’cái mũi’ (‘nez’). Người đó không chỉ đơn giản là nhà chế tạo mà còn là một nghệ sĩ, một chuyên viên hoá học và là nhân vật kể truyện có khả năng cảm hứng và truyền đạt những cảm xúc từ các hoài niệm của thời thơ ấu, từ khoảng khắc hoà nhập với thiên nhiên, những chuyến hành trình trong đời, thông hiểu văn hoá và nghệ thuật cũng như các xu hướng thời đại sao cho thể hiện được một hình ảnh nước hoa quyến rũ mê hoặc. Niềm cảm hứng rất cần thiết để diễn dịch một ý tưởng trừu tượng thành một mùi hương ngửi thấy rõ ràng. Một cái mũi chuyên khoa và tài năng (compétence et talent / competence and talent) phải đạt đủ các yêu cầu sau:
- Khứu giác sắc cạnh (sens olfactif aiguisé / sharp olfactory sensitivity ) có thể phân biệt và nhận dạng mùi trong hàng ngàn loại hương khác nhau
- Được đào tạo chuyên môn (formation et éducation)
- Tính sáng tạo (créativité / creativity) tức yêu cầu một trí óc tưởng tượng vô biên để tạo ra các sản phẩm độc đáo
- Kiến thức hoá học (Connaissance en chimie / knowledge of chemistry) để nhận thực sự tương tác giữa các thành phần hoá chất nhằm tạo nên mùi hương ổn định
- Kiên nhẫn và kiên tri (patience et persévérance / patience and perseverance) để theo đuổi tới cùng một tiến trình lâu dài và tẻ nhạt vốn đầy dãy thử thách và sai sót.
Quy trình chế tạo nước hoa thường theo các trình tự như sau:
- Cảm hứng (inspiration / inspiration): Cũng giống như loại hình thi ca, hội hoạ, nhạc kịch, niềm cảm hứng từ một xúc cảm riêng tư, một hoài niệm tuổi thơ hay một nhớ nhung nào đó là hết sức cần thiết để người nghệ sĩ tạo nên tác phẩm độc đáo của riêng mình. Cảm hứng có thể tìm được từ những chuyến hành trình tới một nơi xa lạ. Ví dụ nước hoa chế tạo từ ký ức về một chuyến đi tới Địa trung Hải sẽ cho ra mùi chủ đạo là hương cam quýt (agrumes / citrus), hoa lài, hay ô-liu. Cảm hứng có thề sinh ra từ một kỷ niệm một thời thơ ấu, từ mùi bánh mì của ngoại hoặc khi ngồi dưới bầu trời đầy sao. Với nhà chế tạo nước hoa, cảm hứng là điều kiện đầu tiên dẫn tới ý tưởng chọn lọc mùi hương ấn tượng nhất trong vô vàn mùi hương thu nhận từ cảm xúc, để từ đó quyết định chọn lọc loại nguyên liệu thô chủ đạo trong hơn 4500 nguyên liệu và từ cả một thư viện công thứccó sẵn trong đầu, ‘cái mũi’ nhanh chóng tìm ra công thức pha trộn của riêng mình. Cảm hứng giúp cho nhà điều chế biến một ý tưởng trừu tượng thành một mùi hương rất hiện thực.
- Chọn lọc nguồn nguyên liệu thô (matìère premìère / raw material): Các thành phần nguyên liệu thô sẽ quyết định tính chất và mùi hương của nước hoa. Những nguyên liệu thu thập từ thiên nhiên như hoa, trái, rễ, vỏ cây, gổ, hươu xạ hoặc long diên hương sẽ cho ra các sắc thái hương thơm tinh tế và đa dạng. Tuy nhiên, điểm bất lợi là chất lượng dễ biến đổi tuỳ thuộc vùng miền và khí hậu nên không thể có được tính ổn định. Các thành phần từ thiên nhiên bao gồm: hoa hồng, lài, oải hương, bergamote [loại cam trồng nhiều ở Hy Lạp, Maroc, Argentina (Argentine), Bờ biển Ngà (Côte d’Ivoire), nay chủ lực tập trung ở Calabria miền tây Nam nước Ý], gỗ Đàn hương (bois de Santal / Sandalwood), và các chất trích từ loài động vật toả hương..Trong khi đó, các thành phần tổng hợp được các nhà hoá học điều chế từ phòng thí nghiệm có thể tái tạo sản phẩm giống y như hương tự nhiên hoặc sáng tạo một mùi hương hoàn toàn mới. Lợi điểm của các thành phần tổng hợp là độ bền mùi vượt hơn hẳn nước hoa hương liệu thiên nhiên, và ngoài ra còn tạo được những mùi hương đặc trưng mà nước hoa từ thành phần thiên nhiên không thể có. Ví dụ: hương Calone [mùi hương biển], hương Iso E Super [thoang thoảng hương rừng], hương Ambroxan [phản phất mùi long diên hương].
- Thu thập các thành phần lại với nhau (assemblage / assembling): Mỗi nguyên liệu thô sẽ được cân đong định lượng (dosé / quantified) nhiều ít khác nhau tuỳ vào loại lớp hương nào là chính yếu và tuỳ mùi hăng hay nhạt của loại nguyên liệu. Việc thu thập nguyên liệu thuần chất và sắp xếp theo đúng định lượng mới thu được chất cô đặc (concentré / extract) như ý. Một loại dầu thơm có thể bao gồm 10, 50, 100 hay thậm chí 500 loại nguyên liệu thô nhưng không phải số lượng quyết định chất lượng, không phải dầu thơm có 300 thành phần nguyên liệu tuyệt hảo hơn dầu thơm có 80 nguyên liệu. Chất lượng chính là từ nghệ thuật phối trộn các nguyên liệu, từ các công thức. Dòng họ Guerlain tự hào các dòng sản phẩm như Mitsouko, Nahema được chế tạo chỉ với 12 thành phần và công thức đơn giản nhưng tạo nên hương tinh tế và thanh tao. Thanh lịch và giản dị (Élegance et simplicité / elegance, smartness / simplicity) cũng là châm ngôn của Coco Channel cho thời trang và với dòng sản phẩm gồm 80 thành phần có tên Channel No 5 huyền thoại tồn tại 103 năm tính đến năm 2024.
- Thử nghiệm (expérimentation / experimentation) nhiều lần: phối hợp các thành phần khác nhau để kiểm tra từng mức độ tương tác qua lại của mỗi nhóm để chôn hương thơm mong muốn.
- Cân đối (balancement / balancing): người bào chế tỉ mỉ cân đối các tổ hợp, chỉ một tí sai sót tỉ lệ sẽ dẫn đến tiêu tan mùi hương như mong muốn
- Ủ dậy hương (maturation / maturing): sau bước phối hợp, hỗn hợp được để lắng đọng một khoảng thời gian, từ vài ngày đến vài tuần thậm chí có thể vài tháng, cho đến khi các lớp hương hoà trộn hẳn với nhau. Chặng này cũng giống như rượu ngon đòi hỏi phải ủ yên một khoảng thời gian không biết trước cho đến khi dậy hương vị.
Hỗn hợp sau đó dược gia thêm tinh dầu từ 5% (đối với eau de cologne và eau fraïche) tới 30-40% (nếu là parfum và eau de parfum) để chuẩn bị làm sạch cho bước thu hoạch chất cô đặc bằng các phương pháp (méthode / method) khác nhau tuỳ loại nguyên liệu như qua:
- Chưng cất (distillation / distilling, steeping) nếu là vỏ cây, rễ hay gỗ;
- Ép máy (expression / act of pressing) các loại cam, quýt;
- Chiết xuất qua dung môi (extraction par solvant / solvent extraction) nếu là loại hoa mau héo như lài hay huệ (tubéreuse / tuberose);
- Chiết xuất siêu tới hạn (extraction supercritique / supercritical extract [thuật ngữ vật lý – một chất (thường là carbon dioxide) đun tới khi đạt nhiệt độ và áp xuất vượt hạn định sao cho chất lỏng và khí cùng tồn tại)].
- Ướp hoa (enfleurage): các loại hoa chóng tàn còn được áp dụng theo một phương phap truyền thống xếp cánh hoa đặt trong dầu không mùi để thu hương hoa và nay ít được sử dụng vì mùi hăng (intense / intense, extreme).
- Thu thập tin dầu – Công đoạn này lại theo một trình tự tỉ mỉ như sau:
- Ngâm (macération / macerating) trong dung môi, thường là trong cồn 96oC cùng với nước đã khử khoáng (déminéralisé / deprived of minerals) để hạ độ cồn xuống 76o Công đoạn ngâm cốt để các lớp hương hoà quyện và ổn định stabilisation / stabilisation) lần cuối cùng. Trong quá trình ngâm, các phân tử mùi hương sẽ lan toả đều trong dung môi và hình thành lớp hương phong phú và đậm đà. Hơn nữa, quá trình ngâm còn giúp ổn định để sao cho từ giọt đầu tiên cho đến giọt dầu thơm cuối cùng đều có mùi hương như nhau.
- Lọc (filtration / filtering) Sau công đoạn ngâm, dầu thơm được lọc bỏ cặn còn lại bằng tia cực tím (filtre solaire / solar filtre) và đôi khi có gia thêm phẩm màu (colorant / colouring). để nước hoa trong veo và sạch tươm (limpide et pure / limpid and pure).
- Làm lạnh (glaçage / frost) để loại bỏ các chất cặn, nước hoa được đưa vào môi trường dưới 5oC
Ủ và ngâm là hai công đoạn quan trọng đòi hỏi tính hiên nhẫn và tính chuyên nghiệp (patience et expertise / patience and expertise) để thành quả đạt chất lượng.
- Thẩm định và điều chỉnh (évaluation et modification / evaluation and modificaton) nhằm đáp ứng như mong muốn để có thể tung ra thị trường. Nước hoa lúc bấy giờ được thử qua một thỏi giấy đặc biệt thấm mùi để có cái nhìn sơ khởi và thử tiếp trên da người để đánh giá thời gian lưu của mùi hương từ lới hương đầu (note de tête / ) tới lớp hương cuối hay còn gọi là lớp hương nền (note de fond), sau đó thử tiếp tính ổn định để chắc chắn hương thơm vẫn đạt trong các điều kiện khác nhau như dưới ánh sáng, trong môi trường nhiệt cao cũng như trong khí lạnh. Cuối cùng, các nhà chế tạo cũng không quên thu thập các phản hồi nhiều góc độ từ các nhóm đánh giá khác hoặc từ các chuyên gia. Căn cứ trên kết quả từ các phản hồi và các cuộc thử nghiệm nhà bào chế có thể cân nhắc cho tăng lớp hương nào đó để làm dịu lớp hương khác; chỉ cần thay đổi tí ti cũng tác động đáng kể cho hương vị hài hoà hơn hoặc cũng có thể vì ý nghĩa thực dụng (sense pratique / practicality) như trường hợp thiếu một thành phần nguyên liệu nào đó hay khi xem xét mức giá. Mỗi lần thay đổi là sản phẩm được đánh giá lại để bảo đảm mùi hương được cải thiện hơn so với lần trước đó. Công việc giám định và điều chỉnh là một quá trình lặp đi lặp lại cho tới khi dầu thơm không chỉ nên đẹp hơn mà còn gợi lại được cảm giác đầu tiên khi bắt tay bào chế.
- Pha loãng (dilution / dilution). Qua nhiều lần cân chỉnh, nhà điều chế đã tạo được loại dầu thơm đậm đặc (concentré / condense) có mùi hương cực mạnh nên buộc phải pha loãng với dung môi, thường là cồn. Tỉ lệ tinh dầu khác nhau sẽ phân cấp thành bốn nồng độ khác nhau mà người dùng có thể phân biệt qua bốn nhãn phân theo nồng độ tinh dầu giảm dần chia ra ‘parfum’, ’Eau de Parfum (EDP)’, ‘Eau de Toilette (EDT)’ và’Eau de Cologne (EDC)’
Phân Loại
Tuỳ mùi thơm đặc trưng nào nổi trội mà nước hoa được phân thành các nhóm khác nhau. Nhóm hương hoa gồm lài, hồng , linh lan (lily de la vallée / lily of the valley), dành dành (gardénia / gardenia). Nhóm hỗn hợp hương kích thích chủ yếu từ hợp chất chính như cẩm chướng (œillet / carnation), đinh hương ([clou de] girofle / clove), quế (cannelle / cinnamon). Nhóm hương mộc được phân loại theo rễ cỏ hương bài (racine de vétiver / vetiver root [loại cỏ trồng nhiều ở vùng nắng nóng, có mùi hương gỗ tập trung ở rễ]), cây đàn hương (bois de santal / sandalwood) và tuyết tùng (bois de cèdre / cedarwood [họ thông,dùng trong công nghệ sản xuất bút chì]). Dòng họ nhà rêu thì có hương rêu sồi nổi bật hơn cả. Nhóm nước hoa dưới tên gọi ‘Phương Đông” pha lẫn các đặc tính mộc, rêu, mùi kích thích cùng với hương ngọt dịu như cây va-ni (vanille / vanilla) hay cây họ balsam cho nhựa thơm và luôn có mùi nổi trội của động vật như hươu xạ và cầy hương. Nhóm nước hoa hương thảo chủ yếu gồm đinh hương và cỏ đường (sweet grass). Nhóm mùi da và thuốc lá tất yếu lấy từ hương da thú, mùi thuốc lá, hương khói và nhựa cây bạch dương (peuplier blanc / poplar [gỗ dát trắng, thường cao 20m, tán rộng, sinh sôi nhanh, chen lấn diệt các mầm gỗ chung quanh; thường được dùng trong công nghiệp chế biến gỗ]). Nhóm nước hoa aldehyde [hợp chất hữu cơ có cả thể khí, thể lỏng và thể rắn. Hình thành qua quá trình oxy hoá rượu ethanol] cũng đương nhiên có mùi chủ lực là aldehyde nhưng thường được pha lẫn với mùi trái cây. Hương dầu thơm dành cho nam giới thường thuộc lớp họ chanh cam, mùi kích thích ham muốn (corsé / spicy), mùi da (cuir / leather), oải hương, dương xỉ (fougère / fern) hoặc thân mộc. Các loại nguyên liệu thô cũng là một trong những yếu tố quyết định độ bền mùi. Ví dụ tinh dầu từ hoa sẽ kém bền mùi hơn xạ hương.
Dàn nhạc nước hoa (orchestra du parfum)
Lớp hương (note) và độ lan toả trong không gian (sillage) là hai thuộc tính dùng để nhận biết nước hoa có chất lượng cao:
- Lớp hương (note): Một chai nước hoa đạt chât lượng tốt luôn phản ánh ba lớp hương, tức mùi hương chia thành ba tầng hoạt động :
- Tầng đầu (notes de tête / Top notes) gồm nhóm hương có các phân tử mùi bé xíu (molécules tout petits / tiny molecules) từ các loại nguyên liệu thô như hương dầu cam quýt (huiles d’agrumes), hương thảo (rosemary), quế (cinnamon), cồn aldéhyde bốc hơi (évaporate / evaporate) trong khoảng từ 10-15 phút sau khi mở nắp chai. Lớp hương tạo ấn tượng mùi hương đầu tiên ngay khi thoa lên người này còn được giới sản xuất Pháp đặt tên ‘nụ cười’ của nước hoa (sourire du parfum).
- Tầng hương giữa (notes de cœur / Middle notes, heart notes), còn được thi vị hoá là ‘những đường cong của nước hoa’ (les courbes du parfum / curve of perfume), xuất hiện khi tầng hương đầu không còn nữa. Các mùi hương (senteur / aroma, fragrance) quyện chặt lẫn nhau tạo nên tính cách đặc thù của nước hoa có chức năng trung chuyển từ lớp hương đầu sang lớp hương nền. Chính nhóm giữa này toả hương từ nơi xức nước hoa và sẽ lưu lại trên da thịt trong vòng 2-4 tiếng trước khi tan biến. Phần lớn nguyên liệu cho lớp hương giữa đều sinh từ hoa như lài, hồng, huệ (tubéreuse), oải hương (lavande / lavender), nhưng cũng có thì là (fenouil / fennel) hay bách (cyprès / cypress).
- Tầng cuối hay còn gọi là tầng nền (notes de fond / Base notes) là nhóm hương thế chỗ sau khi lớp hương giữa bay hơi, có nhiệm vụ xác lập phong cách chủ đạo từ lớp hương giữa để chuyển thành hồn của dầu thơm. Các phân tử mùi nặng và ít bay hơi nơi các loại nguyên liệu như Hoắc hương (Patchouli)và Đàn hương hình thành lớp hương cuối giúp mùi hương bền bỉ nhất trong 3 lớp vì các phân tử năng cần thời gian lâu hơn để hương bay hơi.
Để minh hoạ cho trình tự diễn biến của ba tầng hương, bạn lấy ba cuộn sợi bông (coton / cotton), nhỏ một giọt tinh dầu hương cam lên một cuộn, một giọt dầu oải hương lên cuộn thứ hai và một giọt dầu đàn hương lên cuộn ba. Vì dầu vừa nhỏ xuống còn mới từ trong chai ra nên lập tức khứu giác sẽ nhận ra ba mùi khác nhau rõ rệt. Song, oxy và tiến trình bốc hơi làm mọi thứ thay đổi. Hãy đi đâu đó 1 – 2 tiếng rồi trở về phòng, mùi cam hầu như không còn nhận ra được tí nào, chỉ còn mùi oải hương và đàn hương. Đến tối khi lên giường, cả hai mùi còn lại vẫn toả hương nhưng oải hương đã nhạt đi nhiều vì phân tử có kích cỡ rộng nên vẫn phản phất lơ lửng. Đến thời điểm thức dậy vào sáng hôm sau thì mùi oải hương cũng tan biến và chỉ còn lại mùi của đàn hương (tầng ba) kéo dài.
Thời gian lưu hương trên da của từng lớp hương nêu trên chỉ để phân biệt độ bền mùi hác nhau giữa ba tầng, theo thứ tự bay hơi trước sau của ba lớp hương mặc dù chúng có thể xuất hiện cùng lúc nhưng độ mạnh yếu của từng looại hay từng kỳ vẫn khác nhau. Thời gian bền mùi có thể thay đổi trên cả ba tuỳ điều kiện khí hậu, nhiệt độ, ẩm độ da, loại da, và công thức pha chế trong đó số lượng gia giảm của từng nhóm nguyên liệucấu tạo nên lớp hương cũng là một yếu tố quyết định tính chất và thời gian bền mùi của từng lớp. Không khí lạnh chẳng hạn cho mức bám mùi trên da lên tới nguyên ngày hay thậm chí vài ngày so với hơn 10 tiếng ở nơi có không khí nhiệt độ cao. Một làn da có tính acid cao sẽ rút ngắn thời gian lưu hương từ 3 tiếng xuống còn 1 tiếng hay thậm chí ít hơn nữa!
- Sillage /see-yazh/ (Độ toả hương trong không gian) là một khái niệm được tạm dịch vì không có thuật ngữ tiếng Việt tương ứng trong môi trường dầu thơm. Nguyên nghĩa của ‘sillage’ là đường nước rẽ sóng 2 bên xuất hiện ngay sau đuôi tàu khi nó lướt tới trước. Trong thế giới nước hoa, ‘sillage’ được mượn để mô tả mùi hương nước hoa đọng lại trong không gian một khoảng thời gian khi người xức nước hoa rời đi. Tuy nhiên, sillage và độ lưu hương là hai khái niệm khác biệt. Trong khi lưu hương là độ bền mùi trên da toả ra khi người xức nước hoa hiện diện, thì ‘sillage’ đẹp lưu lại trong không gian khi người xức nước hoa đi khỏi. Người đi khỏi để lại một làn hương nhè nhẹ phảng phất đâu đó dễ kích thích một cảm giác ấm áp lưu luyến đầy thi vị của người còn ở lại.
Nếu như trong sản xuất, sillage mạnh yếu tuỳ vào phong cách, cảm nhận và kinh nghiệm của nhà điều chế trong việc chọn lựa các loại nguyên liệu, quyết định liều lượng và các cách chiết xuất thì với người dùng, việc tạo một sillage đẹp ngoài quyết định chọn lựa loại nước hoa và dòng sản phẩm, cần có các yếu tố sau:
- Sự chuyển địch trong không gian
- Nhiệt độ chung quanh thuận lợi để tăng giá trị mùi hương
- Phẩm chất của da làm tăng hay giảm độ toả hương vì da chính là chất nền cho nước hoa tương tác với các hoạt chất cũng như ẩm độ trên da và thân nhiệt.
Phân cấp
Tinh dầu (huile essentielle / Essential oil) là thành phần chính quyết định cho phân cấp nước hoa theo thứ tự đậm đặc thành 4 loại: Parfum, Eau de Parfum (EdP), Eau de Toilette (EdT) và Eau de Cologne (EdC).
- Parfum, extrait, essence / perfume (Nước hoa tinh chất?). Mặc dù với lắm tên gọi khác nhau như parfum absolute, parfum pur nhưng tựu trung nhấn vào‘tinh chất’ (extrait, essence, absolute, pur). Tuy vậy, nồng độ tinh dầu chỉ dao động từ 20% tới 40% pha loãng với cồn cho hương thơm dai dẳng nguyên ngày ở các vùng ôn đới. Vì thế nơi xứ lạnh, nước hoa nồng độ hàng đầu này chỉ được dùng rất dè xẻn (parcimonie / parsimony) dưới 2 dái tai và chấm bên trong hai cổ tay vào các đại lễ đòi hỏi ăn diện. Song nước hoa này không thuận lợi trong môi trường nhiệt đới có khí hậu nóng nực vì nồng độ tinh dầu mạnh phản ứng với ‘mùi’ tiết từ các lỗ chân lông sẽ tạo thành ‘mùi hắc’ dễ gây khó chịu và có khả năng phản ánh không tốt về bản thân trong cái nhìn của những người chung quanh.
- ‘Eau de parfum’ [EDP] với 13% đến 22% tinh dầu là loại sử dụng thường nhật hơn vì mùi hương cũng phản phất nguyên ngày. Có thể thoa trực tiếp trên cổ hay trên thấm nhẹ trên y phục.
- ‘Eau de Toilette’ [EDT] có mùi hương dễ chịu, không hắc, do độ cô đặc tinh dầu yếu ở mức biến thiên từ 5-12% và tan loãng trong cồn ở 85°C, Eau de Toilette lưu hương thơm dưới 5 tiếng đồng hồ. Nên sử dụng 2 bên thái dương, có thể phun nhẹ trên tóc,
- ‘Eau de Cologne’ [EDC]là loại nước hoa cuối cùng có độ cồn nhiều trong khi tinh dầu chỉ khoảng 3%, thường chỉ sử dụng để có cảm giác tươi tắn hơn và cũng hay được .
Cần lưu ý là nồng độ (concentré / condense) của tinh dầu quảng bá trẻn thị trường nước hoa không phải là những tỉ lệ lý tưởng cố định. Các tỉ lệ này có dao động rất lớn vì chúng có thể thay đổi theo kinh nghiệm của từng nhà sản xuất; về nghệ thuật, các tỉ lệ này có thể được gia giảm tuỳ cảm nhận của người điều chế và về mặt thương mại, nhà buôn hoặc các thương hiệu lớn có thể đặt hàng yêu cầu độ đặc tinh dầu khác nhau tuỳ vào mục đích riêng. Mặt khác nồng độ tinh dầu cao quyết định giá trị thương mãi nhưng chưa hẳn tạo được giá trị sử dụng.
Ngoài bốn loại trên, thị trường còn có thể chào bán ‘Eau fraîche’ với cách giải thích đồng hạng hay thậm chí gán nó thành ‘Eau de Cologne’ nhưng thực tế ‘eau fraîche’ cũng như một vài loại tương tự có nồng độ tinh dầu dưới 2% pha với nước, bay hơi rất nhanh, không được liệt vào sản phẩm nước hoa.
‘Parfum’ theo Pháp ngữ, được sử dụng cho hai nghĩa nước hoa nói chung và nước hoa có độ đậm đặc cao nhất trong bảng phân cấp. Theo nghĩa nước hoa nói chung, các thuật ngữ quen thuộc của ba quốc gia Úc, Mỹ và Anh lần lượt là ‘perfume’, ‘fragrance’, và cả hai ‘scent, fragrance’. Với tiếng Việt, ‘parfum’ theo nghĩa tổng quát được dịch ‘dầu thơm’, theo cách nói của người Nam bộ, và ‘nước hoa’, được sử dụng tại Bằc bộ. Song, ngoài nghĩa ‘nước hoa’ nói chung, giới điều chế Pháp còn dùng thuật ngữ ‘Parfum’ để đặt cho dòng nước hoa có nồng độ tinh dầu cao nhất trong bảng phân cấp bốn loại nêu trên. Tiếng Việt và tiếng Anh không có thuật ngữ phân cấp nước hoa theo nồng độ tinh dầu, nên thị trường vẫn sử dụng theo cùng tên gọi tiếng Pháp cho ba nhãn EdP, EdT và EdC. Riêng ‘Parfum’ có tinh dầu đậm đặc nhất vẫn được dịch quan tiếng Anh cùng tên ‘Perfume’, hoặc dịch sát các từ gọi khác nhau trong tiếng Pháp thành ‘essence’, ‘extract’, ‘pure’.
Phải chăng, vì vai trò chỉ ở góc độ thừa hưởng thành tựu của kỹ nghệ nước hoa, chứ không phải bên chế tạo nên khó có từ tiếng Việt để diễn dịch bám sát. Ví dụ, thuật ngữ ‘toilette’ với lối hiểu trong cộng đồng dân ta là ‘vệ sinh thân thể’ hay hơn nữa là ‘trang điểm, bàn phấn’ nên rất khó có tên gọi nào có thể giữ được nguyên nghĩa góc cho dòng nước hoa thứ ba. Còn ‘Eau de Cologne’ là tên của thành phố Cologne (Köln) do Jean Marie Farina đặt cho sản phẩm nước hoa đầu tiên của mình để tỏ lòng tri ân nước Đức khi ông được nhập tịch, thì lẽ nào ta lại gọi ‘nước Cologne’. Không chỉ ở thế kỷ 18, thời của tiếng Hán, Nôm mà cả ngày nay khi tiếng Việt đã phong phú hơn nhưng những nhà sành điệu nước hoa vẫn không buồn nghĩ ra 4 tên gọi chuyên nghành cho bốn nhãn nước hoa được phân cấp. Đối với tiếng Anh thì ‘water’ được hiểu là loại nước không màu, không mùi, không vị thì sao có thể sử dụng từ ngữ ấy để dịch ‘eau’ mà vẫn quy đúng nguyên nghĩa loại nước mà màu và mùi lên ngôi! Không biết đúng sai thế nào nhưng cuối cùng rồi mọi người đều chấp nhận du nhập thuật ngữ của một đất nước nổi tiếng cuồng si ánh sáng và nước hoa.
Các vùng tối ưu trên cơ thể
Nên thoa dầu thơm nơi nào trên cơ thể để đạt hiệu ứng tối ưu? “hãy thoa nơi mà bạn muốn được ôm hôn” đó là lời khuyên của Coco Chanel, nữ doanh nhân có chủ trương ‘mùi hương nước hoa như chính mùi hương phụ nữ’.
Kỳ thực, nhưng nơi có mạch nhịp tim đập chính là những nơi làm tăng hương liệu của nước hoa trên da vì lượng máu lưu thông ngay sát dưới da làm ấm liên tục, nhờ đó hiệu ứng nước hoa được kích hoạt mạnh hơn. Hãy thoa khoaảng 20 phân tại nhiều vùng (không chỉ một hai) có mạch như bên trong cổ tay (không chà xát 2 cổ tsy khi đã có nước hoa vì các lớp hương sẽ bị chìm nghỉm), phía sau đầu gối (hiệu quả rõ rệt, khi di chuyển, hương bay lên tận mũi), bên trong khuỷu tay, dưới dái tai (không phải sau), yết hầu, dưới họng hay bất kỳ nơi nào có nhịp đập.
Đúc kết lại, nước hoa là một quá trình chế biến sáng tạo kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật, đòi hỏi nhà điều chế không chỉ có tài năng, kiến thức, hiểu biết thị trường tiêu thụ mà còn phải có tâm hồn nghệ sĩ, cảm xúc dào dạt để tạo được một sản phẩm làm tôn vẻ đạp có sức thu hút mãnh liệt cả nghệ nhân chế biến lẫn giới tiêu dùng. Có những thước phim kể về một nhân vật có khứu giác cực nhạy và đam mê chế biến nước hoa đến mức săn lùng và giết chết hàng loạt trinh nữ làm nguyên chế biến dòng nước hoa có mùi hương đê mê lòng người. Nội dung rùng rợn của phim dựa trên một câu chuyện có thật được kể lại trong tác phẩm ‘Das parfum’ [‘Le parfum’ -nhà xuất bản Le Fayard. ‘Mùi hương’-nhà xuất bản Nhã Nam] của nhà văn Đức Patrick Süskind xuất bản lần đầu năm 1985 tại Zurich
https://hparfum.vn/nen-chon-dau-thom-hay-nuoc-hoa>
http://midetplus.fr/tendances/un-nouveau-musee-du-parfum-a-paris
https://www.primermagazine.com/2018/learn/whats-difference-eau-de-toilette-cologne
https://www.lothantique.com/difference-parfum-eaudetoilette-eaudecologne.html
https://www.baladesparfumees.com/comment-est-fabrique-le-parfum/
https://www.milleretbertaux.com/les-etapes-a-la-creation-d-un-parfumm.html>
https://sillagesparis.com/blog/ingredients-naturels-vs-ingredients-synthetiques-le-grand-match-du-parfum/
https://www.actubeauty.com/comment-definir-les-notes-de-parfum/>
https://www.milleretbertaux.com/les-etapes-a-la-creation-d-un-parfumm.html>
https://www.tematis.com/blog/news/les-7-etapes-creation-de-parfum>